Sáng 25-3, UBND TP Thủ Đức phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM tổ chức buổi lễ bàn giao mặt bằng và thi công cầu Nam Lý.

Như vậy, cầu Nam Lý đã chính thức khởi động lại sau gần 4 năm phải tạm ngưng thi công vì vướng giải phóng mặt bằng. Buổi lễ có sự tham dự của lãnh đạo nhiều đơn vị, đặc biệt là đông đảo người dân cùng ủng hộ dự án cầu Nam Lý sớm ngày về đích.
4 năm chờ đợi giải phóng mặt bằng xây cầu Nam Lý
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lương Minh Phúc – giám đốc Ban Giao thông (chủ đầu tư) – cho biết, dự án đầu tư xây dựng cầu Nam Lý (thay thế đập Rạch Chiếc) có tổng mức đầu tư 919 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng 423 tỉ đồng.
Công trình này đã được khởi công vào tháng 10-2016 và thi công một số hạng mục đạt 40% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, đến tháng 4-2019, công trình chờ tiếp tục bàn giao mặt bằng.
“Ngày hôm nay, sau gần 4 năm chờ đợi giải phóng mặt bằng, Ban Giao thông vui mừng tiếp nhận mặt bằng từ UBND TP Thủ Đức (TP.HCM). Ban Giao thông cùng các đơn vị cố gắng thực hiện tập kết vật tư, thiết bị, chuẩn bị mặt bằng tổ chức thi công… để thi công trở lại trước ngày 10-4-2023. Sau khi rà soát thì tổng mức đầu tư giữ nguyên, dự kiến hoàn thành công trình sau 14 tháng từ ngày tiếp nhận đủ mặt bằng”, ông Phúc nói.
Ông cũng gửi lời cảm ơn người dân đã đồng thuận giải phóng mặt bằng, UBND TP Thủ Đức nỗ lực vận động di dời, giải tỏa để công trình thi công trở lại. Công trình hoàn thành giải quyết những vấn đề giao thông tại đây, phục vụ nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân.

Mong chờ ngày cầu Nam Lý về đích
Không giấu niềm vui ngày cây cầu tái xây dựng, ông Nguyễn Xuân Sắc – một người dân đồng thuận giải tỏa – chia sẻ, những ngày qua, ông đã sửa nhà cải tạo đúng ranh mốc, đảm bảo bàn giao mặt bằng.
“Tôi và bà con đi lại nơi đây rất mong ngày công trình về đích, đi lại thuận tiện hơn”, ông Sắc bày tỏ mong muốn.
Bà Bùi Thị Hồng Hà – phó trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức – cho biết, dự án có quy mô 2,69ha, 51 hộ dân và 3 tổ chức bị ảnh hưởng. Đến nay đã có 83% hộ dân bàn giao mặt bằng.
Thời gian tới, UBND TP Thủ Đức tiếp tục triển khai giải quyết các thủ tục, bàn giao mặt bằng sạch song song với tiến độ thi công. Kinh nghiệm rút ra trong quá trình giải phóng mặt bằng là phải có sự quan tâm sâu sát, hỗ trợ bồi thường sát giá thị trường.




_______________
Nguồn: Tuổi Trẻ